![]() Một thoáng Trịnh Công Sơn Gần một năm sau ngày nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mất, tôi lục trong chồng sách nhạc của gia đình để tìm lại một bài hát về xuân của nhạc sỹ Văn cao, bài “Mùa Xuân đầu tiên”. Tôi chuẩn bị tổ chức tốp ca cho ngày tết Việt Kiều tại Bruxelles. Và tôi bất chợt đọc lại bút tích của người nhạc sỹ tài danh, ngay trang thứ hai của Tuyển tập nhạc Văn Cao “Thiên Thai” do nhà xuất bản Trẻ tại Tp Hồ Chí Minh xuất bản năm 1988 :
Vâng, tôi cũng quen biết Trịnh Công Sơn, dù chỉ một thoáng … Chúng tôi về Việt Nam ăn Tết năm 1989 sau một thời gián khá dài không lui tới. Chuyến đi cuối cùng trước đó đã xa cách đển gần một thập kỹ : hè năm 1979. Hồi ấy, việc đầu tiên chúng tôi làm tại Việt Nam là đi mua tranh về trang trí cho ngôi nhà mới mua tại Bỉ. Tôi không nhớ vì sao lại run rủi lần mò đến xem phòng triển lãm tranh tại gia của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với sự tham gia của các hoạ sỹ Đinh Cường và Tôn Thất Văn. Và chúng tôi suýt mua được một bức của Tôn Thất Văn, suýt thôi vì chưa ngã giá nên cuối cùng không mua được… Biết tôi là Việt Kiều tại Bỉ có hoạt động phản chiến tại Bỉ trong thập kỷ 65-75, có chút “máu văn nghệ”, Trịnh Công Sơn cho hay là đang chuẩn bị đi Pháp và nếu tôi còn ở lại Việt Nam thì ra Tết sẽ đến nhà thăm tôi…
Rồi đùng một cái mồng 6 Tết chúng tôi tiếp tại nhà người anh vợ tôi, cư xá Lữ gia, cả một
đoàn văn nghệ sỹ nổi tiếng: nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sỹ Trần Long Ần,
hoạ sỹ Tôn Thất Văn, Michiko và Trịnh Công Sơn! Thật là một niềm hạnh phúc hiếm có cho chúng tôi, một nhạc sỹ tiếng tăm lẫy lừng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, một danh tài đã có môt sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, đã thật giản dị và hồn nhiên, cùng bạn bè ngồi hát cả buổi chỉ cho vợ chồng chúng tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và một người lái xe nghe! Vâng, chúng tôi may mắn có đươc một thoáng Trịnh Công Sơn, gần như chỉ dành cho chúng tôi.
Tôi còn giữ lại hai tấm hình lưu niệm quý hiếm : Hình thứ nhất quay lưng là hình Trịnh Công Sơn đang vừa đàn vừa hát có Michiko ngôi bên cạnh. Trước mặt từ trái sang phải là tôi, Nguyễn Quang Sáng, người lái xe, Trần Long Ẩn và Tôn thất Văn. Hình thứ hai là hình Trịnh Công Sơn đang đàn cho Michiko hát. Phía sau là Huỳnh Mai, vợ tôi. Đó không phải là lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Công Sơn. Tôi đã sớm về Việt Nam những năm trước đổi mới : 76, 77 và 79… Phải nói tình hình xã hội và chính trị Việt Nam hè năm 79 rất ư là căng thẳng… Báo chí quốc tế không ngớt đề cập đến ngưới Việt vượt biên, thuyền nhân… Ban Việt kiều thành phố tổ chức một buổi họp mặt, nếu tôi nhớ không lầm là tại Hội Trí thức yêu nước 43 Nguyễn Thông TP HCM. Sau tham luận của các lãnh đạo trung ương và thành phố, sau khoảnh khắc ngắn ngủi đối thoại trao đổi qua lại, cái đinh buổi họp mặt là phần văn nghệ. Nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu vừa là nhạc trưởng vừa là MC… Hôm ấy tôi nhớ rõ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tự đệm ghi ta và hát bài “Em còn nhớ hay em đã quên”[1] và một bài nữa, hình như bài “Chiều trên quê hương tôi”. [1] Tôi cũng xin lưu ý là trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn, một nhạc sỹ thiên tài” Bữu Ý trên trang 32 cho rằng bài này Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1980. Năm sáng tác theo tôi phải là năm 79 hoặc trước đó.
Tôi nhớ rất rõ vì tôi vừa trải qua hơn một tháng 7&8 hãi hùng lang thang khắp Đông Nam Á (Thái Lan, Singapour, Mã Lai, Nam Dương) đi tìm người yêu vượt biên, để cuối cùng gặp lại nhau, như một phép lạ, ngay trên đảo Poulo Bidong, Mã Lai. Gặp lại nhau một ngày là chia tay, tôi đáp chuyến bay Thái : Kuala-Lampur – Bangkok – TP Hồ Chí Minh còn cô ấy đáp chuyến máy bay Bỉ nhắm hướng Kuala-Lampur – Bruxelles! Đây là một cuộc hành trình khá ly kỳ mà tôi sẽ nhắc đến trong một dịp khác. Năm 1960 ngày tôi xuất dương du học Trịnh Công Sơn chưa nổi tiếng. Các bài hát “Uớt Mi” hay “Diễm Xưa” chưa được phổ biến rộng rãi. Tại Sài gòn trong thời này nhạc Phạm Duy, Lam Phương, Dương Thiệu Tước, Phạm đình Chương, Văn Phụng… đang thịnh hành trên các phương tiện truyền thông đại chúng… Sau Tết Mậu thân (1968), không khí Việt kiều tại Bỉ, đặc biệt thành phố Liège thay đổi hẳn. Trước số sinh viên du học như chúng tôi đếm trên đầu ngón tay, nay tăng vọt đến gần năm trăm! Liège một thành phồ không lớn tại Bỉ, đã bỗng chốc trở thành thành phố sinh viên Việt Nam thu nhỏ với tất cả những mâu thuẩn, lo toan, dây dứt, đau thương… của đô thị miền Nam thời bấy giờ… Phần lớn sinh viên Việt Nam là con nhà khá giả tại Sài gòn đi du học tự túc… Các sinh viên đến từ Việt Nam không ai không không mang theo những băng cassettes, kỷ thuật ghi âm đang được thịnh hành trong những năm 70… Và chính qua những băng ghi âm này, qua các bạn sinh viên trẻ, mà tôi khám phá ra hiện tượng Trịnh Công Sơn – Khánh Ly.
“Ca khúc da vàng” đã đến với tôi như một tiếng thét của lương tâm con người trước cuộc chiến phi nhân, trước chết chóc, trước đau thương khôn cùng của dân Việt, trước sức tàn phá dữ dội khủng khiếp của tàu bè bom đạn của một siêu cường.
“Xác người nằm trôi sông,
Xác người nằm bơ vơ
Xác nào là em tôi
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng “Kinh Việt Nam” đã đến với tôi như những lời kêu gọi hồn thiêng sông núi dân tộc Việt, như những ước vọng khẩn thiết về một ngày thanh bình thống nhất, về một nước Việt Nam bình thường như những nước khác, chan hoà tình tự dân tộc giống nòi… Tôi ý thức được ngay là một cái gì mới đã xảy ra tại Việt Nam. Một một phong trào “ Hát cho đồng bào tôi nghe” đã được dấy lên tại Liège và lạ thay cùng với những bài ca khác của phong trào sinh viên học sinh đô thị miền Nam, nhạc Trịnh Công Sơn đã thành một phương tiện đấu tranh của chúng tôi, những người mà lập trường chính trị đã dứt khoát đã biết và hát nhiều bài hát đến từ Miền Bắc hay vùng Giải phóng, hừng hực khí thế kháng chiến yêu nước, nhưng còn thiếu một cầu nối để đến với những thành phần còn xa chiến tuyến… Nhìn lại cục diện sau gần 40 năm, tôi vẫn nghĩ nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn là một trong những nhân tố văn hoá rất tích cực cho công cuộc vãn hồi hoà bình và thống nhất đất nước. Và tôi rất tâm đắc với ý kiến cho rằng chính những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn là mới là cơ sở nói lên tầm vóc của tài danh Trịnh Công Sơn… Và cũng chính qua những ca khúc này Trịnh Công Sơn mới được những nhà báo quốc tế biết đến và gọi anh là “một Dylan của Việt Nam”. . Âm nhạc Việt nam qua Trịnh Công Sơn, một thời đã ngang tầm thế giới ! Và tôi tự hỏi tại sao trong thời mở cửa giao lưu hội nhập hôm nay những bài hát đậm đà tinh thân dân tộc như thế, lại vẫn “chưa được phép” hát lại ? Ở Việt Nam tôi vẫn thường nghe câu hỏi là tại sao ta chưa có những tác phẩm văn học nghệ thuật ngang tầm thế giới, xứng đáng với các cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập, tự chủ thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang, những chiến công hiển hách đã được biết bao dân tộc yêu chuộng hoà bình và công lý kính phục và ngưởng mộ. Nhưng có chắc gì, ta tỉnh táo đế chấp nhận và nhất tôn vinh đúng mức những tác phẫm văn học nghệ thuật chất chứa những giá trị nhân bản cao đẹp và phổ quát của con người, những tác phẩm độc lập không bị chi phối bỡi tình thế chính trị nhất thời? Sinh thời TCS ý thức rất rõ về tính phổ quát của nhạc mình: “Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái…” (Phát thảo chân dung tôi, tháng 4-1987). Nhạc phản chiến của TCS là hiện thực của ước mơ này vậy.
Dỉ nhiên nhạc phản chiến chỉ là một trong ba chiều không gian âm nhạc đồ sộ của thiên tài TCS : tình yêu, thân phận và chiến tranh… và đã có nhiều bài viết về hai không gian còn lại : tình yêu và thân phận… Ai cũng đồng ý chất Huế là thường trực trong nhạc TCS… Nhưng tôi lại thấy chất “blues” cũng tìm tàng trong một số bài: Hạ trắng, Tính nhớ, Biển nhớ… Phải chăng TCS có phần nào bị ảnh hưỏng nhạc Mỹ da đen… Ngày TCS mất tôi đang ở TP HCM…Và có lẽ cũng như rất nhiều người Việt Nam ở mọi ngõ đường đất nước hay ở chân trời góc biển trên thế giới, tôi có cảm giác là một người thân thương vừ từ giả cõi đời… Tôi định đến nhà ông để thắp một nén hương tiển đưa vì lòng ngưởng mộ. Nhưng hôm ấy từ đường Điện Biên Phủ, đi xe gắn máy, không có cách chi đến được ngõ tư Phạm Ngọc Thạch… Một rừng người mênh mông như đại ngàn vô tận đã cùng chia xẻ ý này và cuồn cuộn chảy về con đường này… Tôi bõ xe bên vệ đường mon men tìm đến số 47 C thì đã quá muộn. Chiếc xe chở quan tài đã chuyển bánh, tiếng kèn “saxophone” tiển đưa của Trần Mạnh Tuấn đã vang lên và tôi đành hoà mình vào đoàn người chảy xiết theo hướng Gò Dưa…
Sinh thời tôi chưa bao giờ nghe nói TCS là nghệ sỹ nhân dân. Nhưng chính quần chúng nhân không phân biệt thành phần, lớp người, lứa tuổi, không phân biệt Bắc Trung Nam, không phân biệt trong nước hay hải ngoại, đã chọn thiên tài Trịnh Công Sơn là nghệ sỹ số một của mình… Liège cuối tháng 3, 2005 Nguyễn-Đăng Hưng Ghi chú: Thành thực cám ơn tác giả Nguyễn Đăng Hưng đã gửi bài cho trinh-cong-son.com . Tháng 3, năm 2005
|
|||||